Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Monday, December 13, 2010

Click to play this Smilebox greeting
Create your own greeting - Powered by Smilebox
Create your own greeting card


Merry Christmas and Happy New Year

Saturday, June 18, 2005

Những Bài Thơ Tôn Thất Phú Sĩ

Doãn Quốc Sỹ


Một hôm nọ nhà thơ Việt Hải có gửi cho tôi dăm bài thơ tiêu biểu cho nhà thơ Tôn Thất Phú Sĩ, mà tôi xin đề tắt là TTPS. Tôi đọc thơ TTPS hôm nay, tôi chạnh lòng nhớ về nhiều năm về trước đây khi anh em bạn bè chúng tôi sinh hoạt thơ văn tại Hà Nội trước 54 và tại Sài Gòn trước 75.

"Biển" là tên của bài thơ mà nhà thơ của chân trời Ba Lê thơ mộng đã sáng tác để kể về giấc mộng hải hồ của người sĩ quan hải quân VNCH, khi anh vượt muôn trùng, băng đại dương. Dưới đáy sâu của lòng đại dương anh nhắn nhủ ước mơ của mình:

"Biển ơi ! cho ta giòng máu
Giang hồ từ thuỡ me sinh
Ta đi biển xanh màu nước
Ta về biển trắng bạc tình
Trùng dương cho ta gởi lại
Người tình yêu dấu ta thương"

Sự bóng bẩy của thơ TTPS làm tôi liên tưởng đến thơ của Vũ Đình Liên trong bài "Chi phôi":

"Ở chốn đường khơi ta tưởng đến em
Xa xôi nên lại nhớ nhung thêm
Than ôi phiêu dạt đời mưa gió
Mà chút tình xưa vẫn chẳng quên"

Thơ của Thế Lữ cũng linh động không kém qua những vần thơ xao xuyến:

"Làn gió qua hiên vi vu thổi
Hồn xuân nhuốm thảm chí phiêu lưu
Than ôi ! Mê mãi theo mây nước
Đâu phải lòng ta chẳng biết yêu"

Nhà thơ R. W. Raymond đặt bài thơ "Bài ca" (Song), tôi phỏng dịch lời Việt như sau, chú thích (1):

"Anh sẽ yêu em vương tình trong gió
Như tình vũ bão, như bền duyên
Để xóa tan dâu bể án đường
Để không màng lý lẽ đúng sai ?
Dẫu đam mê cơn gió tình trường
Chẳng bao giờ vĩnh viễn yêu đương.

Nhà thơ TTPS của vùng trời đại dương biển mộng cho những sóng gió giữa biển cả trùng dương hay tình cô gái nhỏ dỗi hờn, sự đam mê hải hồ gắng liền với sự thủy chung của người em nhỏ ở hậu phương. Phải chăng tình yêu đông tây của 2 nhà thơ Raymond và TTPS có những diểm tương đồng. TTPS với bài "Trăm Năm Anh Theo Biển":

"Trăm năm anh theo biển
Trăm năm em theo anh
Biển dỗi hờn dậy sóng
Em dỗi hờn lặng thinh

Anh yêu ngàn khơi rộng
Có tấm lòng bao dung
Người yêu anh bé nhỏ
Thương mến màu thuỷ chung"

Nhà thơ Quang Dũng trong bài "Trắc Ẩn" cho thấy sự nhớ nhung giữa hai người. Những câu thơ nặng trĩu niềm nhung nhớ như:

"Chiều ấy em về thương nhớ ai ?
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai."

Trong nỗi niềm như nhà thơ Quang Dũng, TTPS ẩn chứa tâm sự trong bài thơ "Anh Ở Bên Này Tuy Rất Xa", nhà thơ TTPS diễn tả ý thơ khi hướng về bên kia bờ đại dương trong năm tháng dài mà lòng cô liêu:

"Anh ở bên này tuy rất xa
Gởi về em gái rất thật thà
Lời thương yêu đó... không dối trá
Từ trái tim hồng anh nói ra

Anh ở bên này tuy rất xa
Bắc thang lên hỏi ánh trăng già
Trăng bao nhiêu tuổi đời cô tịch
Trăng vẫn là trăng riêng của ta."

Khi lòng trao hẹn ước vĩnh viẽn, nhà thơ Tế Hanh phác họa bài thơ "Tình Yêu và Vĩnh Viễn" mà lời như sau:

"Anh gặp em trong thời biến chuyển
Vừa ban mai sao đã ban chiều ?
Anh biết dù tình yêu không vĩnh viễn
Vẫn đi tìm vĩnh viễn của tình yêu."

Kế tiếp là bài thơ "Tình Không Biên Giới Không Thời Gian", TTPS nói đến sự kiện đi tìm một tình yêu thiên thu, tựa như nhà thơ Tế Hanh đi tìm một tình yêu vĩnh viễn trong thơ của ông:

"Từ thuở xa xưa đã biết là:
Tình yêu không có tuổi phôi pha
Vừa 16 tình đầu thổn thức
Đến 60 tim vẫn thiết tha
Ban sơ 16 xinh như mộng
Hai đứa vu vơ bắt bướm hồng
60 rồi trái tim rướm máu
Tình buồn rơi trên lá sầu đông
Dù em có hận hay oán trách
Tình xưa vẫn không chết đâu em
Có gì xa vắng từ sâu thẳm
Thiên thu muôn kiếp vẫn đi tìm."

Mùa xuân về trong thơ Hồ Dzếnh có tình cho nhau trong chờ đợi, mong nhớ suốt thiên thu:

"Anh chờ đợi em suốt bấy lâu
Nhủ thầm: Xuân thắm chả phai đâu
Một khi xuân thắm là mong nhớ
Và cả thiên thu: vĩnh viễn sầu."

Trong bài "Mùa Xuân Năm Ngoái" TTPS gửi tặng người tình của anh hoa mùa xuân từ năm rồi đến năm nay trong chờ đợi của mộng tình bỏ neo ngóng trông, ý không xa thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh là bao:

"Với tay hái nụ hoa trên cành
Gởi tặng về anh một mùa xuân
Mùa xuân năm ngoái trong như ngọc
Mùa xuân này sao thấy bâng khuâng

Nghe như chim hót thoáng qua đèo
Một mănh trời xuân rơi rớt theo
Giọt sương c̣òn đọng trên môi mặn
Mà ngỡ tì́nh anh đang bỏ neo !"

Thi sĩ Richard M. Milner của Vương quốc Anh trong bài thơ "Only We", mà tôi phỏng tác ra bài Việt ngữ là "Chỉ Hai Chúng Mình” (2):

"Môi thương ánh mắt chúng mình
Yêu tình sống chết bóng hình có nhau
Em, anh dẫu có thế nào
Đôi ta duyên nợ tình trao hai người."

Như ý tưởng của Milner, nhà thơ TTPS ngợi ca tình yêu có những mặn nồng có nhau. Bài "Khi Em Nằm Ngủ" là một giấc ngủ như mơ, nét hồn nhiên khiến tác giả bên đi bao ưu phiền, như thế những ý nghĩ của những vần thơ đông tây có những giá trị chung trong cuộc sống:

"Một ít buồn trong giấc ngủ say
Bỗng dưng thoáng thấy mắt em cười
Như có điều chi em muốn nói
Thẹn thùng đôi má ửng hồng tươi
Có thể em vừa nghĩ đến ai
Anh đi rón rén đến bên giường
Sợ động hồn em lay tỉnh mộng
Hôn nhẹ bờ môi một chút thương
Ngủ đi, em ngủ rất hồn nhiên
Cho anh xin hết những ưu phiền
Hương đêm thoang thoảng mùi hoa dại
Vì ai em phải cứ nằm mơ."

Thơ của Tôn Thật Phú Sĩ mang nét dịu dàng, lời thơ trung thực, mượt mà. Nếu phải đi tìm sự tương đồng về giá trị đông tây, thơ TTPS dồi dào không kém. Và nếu phải đọc những vần thơ tiền chiến và thơ của TTPS thì thơ anh có những nồng nàn chẳng kém người đi trước.

Tôi thành thực chia vui cùng anh cho hình thành tuyển tập những bài thơ Tôn Thất Phú Sĩ.
Doãn Quốc Sỹ
Houston, 24/05/05.

Chú thích:

(1): bài thơ “Song:

Shall l love you like the wind, love,
That is fierce and strong,
That sweeps all the barriers from its path
And reeks not right or wrong?
The passion of the wind, love,
Can never last for long.

R.W. Raymond

(2): bài thơ “Only We”

Lip on lip, and eye to eye
Love to love, we live, we die
No more thou, and no more I,
We, and only we!

Richard M. Milner

NHÌN LẠI MỘT THỜI

Doãn Quốc Sỹ


Năm 1954 hai vợ chồng tôi cùng hai đứa con gái đầu long và cô em gái – năm người cả thảy – ra phi trường di cư vô Nam. Danh từ thời thượng mệnh danh là Bắc Cờ Năm Mươi Tư

Thuở đó tôi còn là sinh viên, gặp Trần Thanh Hiệp – sinh viên Luật Khoa – chúng tôi bèn thành lập đoàn thể Đoàn Sinh Viên Hà Nội Di Cư (ĐSVHNDC), Trần Thanh Hiệp đứng ra làm chủ tịch.

Để giới thiệu ĐSVHNDC nhân dịp chào mừng mùa Xuân năm đó, chúng tôi cho in tập Xuân Chuyển Hướng. Tôi còn nhớ trước 1954 - thuở còn ở ngoài Bắc – tôi sớm có khuynh hướng viết văn, hoàn tất được một truyện ngắn đầu tay dưới dạng một truyện cổ tích mang tên là “Sợ Lửa”. Di cư vô Nam năm 1954, may sao tôi có mang theo bản thảo Sợ Lửa và cho đăng vào tập Xuân Chuyển Hướng này! Thế là như lửa gặp gió, tôi tiếp tục . . . tiếp tục sang tác để chính thức đi vào nghiệp cầm bút của nhà văn bên cạnh sự nghiệp cầm phấn của nhà giáo sau này.

Sau tập Xuân Chuyển Hướng tôi đứng ra làm chủ nhiệm tờ tuần báo Người Việt nhưng cũng chỉ được vài số là đình bản. Sau đó gặp them Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, hai họa sĩ Duy Thanh và Ngọc Dũng nữa, thế là chúng tôi xúm lại chủ trương nguyệt san SÁNG TẠO – vào năm 1956 thì phải, nếu tôi nhớ không lầm! Toà soạn Sáng Tạo ở đường Ký Con. Truyện dài đầu tay Dòng Sông Định Mệnh của tôi đăng trên Sáng Tạo trước khi in thành sách. Sáng Tạo ra được tới số 30 hay 31 thì đình bản. Các văn hữu từ đó vẫn gọi nhóm chúng tôi – Mai Thảo - Nguyễn Sỹ Tế - Ngọc Dũng – Duy Thanh là nhóm Sáng Tạo – Tòa soạn ở đường Ký Con !

Thuở đó anh em chúng tôi ai muốn đem bài đến toà soạn, hay đến toà soạn để sửa bài thì ít nhất cũng phải đợi đến 9 giờ sáng hãy tới, vì tới giờ đó Mai Thảo mới ngủ dậy để ra ngồi trước bàn làm việc.

Từ tám chin giờ tối trở đi đó là giờ Mai Thảo có mặt ở vũ trường để khiêu vũ. Thuỏ đó đám sinh viên Hà Nội di cư chúng tôi đã có nơi cư trú đàng hoàng, đó là khu Đại Học Xá gần nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn. Thỉnh thoảng khoảng 8 giờ tối Mai Thảo lái xe đến đón tôi cùng đi khiêu vũ, khoảng 12 giờ khuya thì về, bao giờ cũng rủ theo một em vũ nữ lên xe để cùng tới một tiệm ăn nào đó, vừa ăn uống vừa nói chuyện vui, rồi đưa em vũ nữ về nơi hẻm em ở.

Cùng là nhà giáo kiêm viết văn, chúng tôi có ba người : tôi, anh Nguyễn Sỹ Tế (hiệu trưởng trường Trường Sơn) và anh Nguyên Sa ( hiệu trưởng trường Văn Học).

Nhắc đến Nguyên Sa thì hầu hết chúng ta đều biết bài thơ nổi tiếng của anh “Áo Lụa Hà Đông” :

"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh

Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bay vội vã vào trong hồn mở cửa
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng gì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau?
Để anh gọi tiếng thở buồn vọng lại..."

"Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
... Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi"

Sau này khi sang tới xứ Cờ Hoa này chúng tôi ở cách mấy tiểu bang – tôi ở Houston, Texas, anh ở Quận Cam Cali - mỗi khi có dịp gặp nhau, tôi vẫn hỏi đùa anh:

- Chị vẫn mặc áo lụa Hà Đông, phải không anh?

Nhớ lại kỷ niệm với anh Nguyễn Sỹ Tế, khi Cộng Sản chiếm nốt miền Nam, chúng tôi cùng bị đi tù chung và cùng bị đày lên tận miền Gia Trung thuộc núi rừng cao nguyên Pleiku, Kontum. Vùng này sở dĩ mang tên Gia Trung vì có dòng suối YA YUNG chảy qua. Tiếng địa phương là Ya Yung được chuyển sang tiếng Việt là Gia Trung !

Anh Nguyễn Sỹ Tế có 4 câu thơ bằng tiếng Pháp trong tập thơ Chant d’Ya (Tiếng Hát Gia Trung) của anh như sau:

Sur un fond de ciel balaye’
Un engourdi crossant de lune
Parait las et comme e’puise’
De sa lumineuse fortune …

Và tôi dịch thoát nghĩa thành 4 câu thơ Việt như sau:

Đỉnh trời gió quét mây tan tác
Trăng lưỡi liềm ngơ ngác lạnh căm
Trăng sao đượm vẻ u trầm
Trăng sao quá đỗi âm thầm hỡi trăng

Vào năm 1956 – cách đây đúng nửa thế kỷ - khi tập truyện cổ tích Sợ Lửa của tôi ấn hành lần đầu, ông bạn Nguyễn Sỹ Tế của tôi viết TỰA và Thanh Tâm Tuyền viết BẠT . Với tinh thần tri âm tri kỷ, ông bạn Thanh Tâm Tuyền qua bài thơ mang tên “NHỊP BA” đã nêu lên long ước muốn thường xuyênnóng bỏng trong tâm tư thầm kín của tôi: đó là ước muốn sao cho đất nước sớm được thống nhất tự do !

Xin quý vị hãy cùng tôi thưởng thức bài thơ “NHỊP BA” của Thanh Tâm Tuyền viết thay lời Bạt cho “Sợ Lửa”

NHỊP BA

(Tặng Doãn Quốc Sỹ)

Ngực anh thủng lỗ đạn tròn
Lưỡi lê thấu phổi
Tim còn nhảy đập
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu, tự do mãi mãi
Anh về ngồi dưới vườn nhà
Cây liền kết trái
Hoa rụng tơi tơi ủ xác
Anh chạy nhịp hai qua cách trở
Mắt bừng
Thống nhất, tự do
Ngoài xa thành phố
Bánh xe lăn nhịp ba
Áo màu xanh hớn hở
Nhát búa gõ
Long máy quay
Cửa nhà thi nhau lớn
Nhịp ba, nhịp ba, nhịp ba
Tình yêu, tự do, mãi mãi
Sóng bồi phù sa
Ruộng lúa trổ hoa
Núi cao uốn cây rừng
Nhịp ba, nhịp ba, nhip ba
Tình yêu tự do mãi mãi
Đất nước ào vỗ nhịp
Triều biển chập chùng
Hà Nội, Huế, Sàigòn
Ôm nhau nức nở
Có người cầm sung bắn váo đấu
Đạn nổ nhịp ba
Không chết
Anh ngồi nhỏm dậy
khoẻ mạnh lạ thường
Bước ai thánh thót


Nhịp ba
Tình yêu
Tự do
mãi mãi
Tình yêu tự do mãi mãi
Tình yêu tư do
mãi mãi anh ơi

THANH TÂM TUYỀN

*
* *

Thấm thoát tính tới nay - Năm 2005 – đã vừa một nửa thê kỷ qua rồi. An hem Sáng Tạo chúng tôi nay chỉ còn: Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ và họa sĩ Duy Thanh.

Mai Thảo và họa sĩ Ngọc Dũng đã ra người thiên cổ!

DOÃN QUỐC SỸ
Houston ngày 12 tháng 5, 2005

MOTHER'S LOVE, MOTHER'S DEVOTION

In Vietnamese Literature and Music
by Doan Quoc Sy


A French poet once said "Mother's love, a love that nobody forgets". When surprised or hurt, we Vietnamese would say "God", "Buddha", but we would not say "Mother".

During the sacred war of resistance against the French, our ambushing guerrillas often heard the cry "Oh maman" of the French soldiers when they were hit. This fact was used by the Vietnamese psychological warfare organ, and our pamphlets, newspapers and radio called on the French soldiers to lower their gun and boycott the colonialists' unjust and inhuman war of reconquest for the sake of mother's love.

Mother, Mother's Love, Motherland... then comes Pham Duy's Me Vietnam song cycle with its four parts: Mother's Earth, Mother's Mountains, Mother's Rivers and Mother's Sea. Anything that relates to Mother Vietnam and her Love evokes a feeling of forgiveness and sweetness, of passionate and lingering memories, of immense, endless love.

It is no surprise therefore that Pham Duy has identified Mother Vietnam with Vietnam's history, the tragi-heroic story of a people who has suffered many trials and tribulations. Let us review the music and words of this immortal song cycle.

In his will, Nehru requested that his earthly body be cremated and the ashes spread over the vast fields of India, so that he can for ever be united with his motherland and remain among the hard working and long suffering Indian peasants. Statemen who remember their indebtedness will always look with love and respect to those mud-stained peasants, the true foundation of the nation. Those peasants it is who feed the country, who founded it and who will preserve it. Pham Duy opens the Me Viet Nam song cycle with the hymn "Our Mother", to start the Mother Earth section:

Mother Vietnam, without rouge and powder,

Mother Vietnam, with mud stained hands,

Mother Vietnam, without silk and brocade,

Mother Vietnam, wearing plain homespun.

The song, in the C minor key, seems to come out straight from mother's earth, from the furrows, from the rows of sweet potatoes and manioc, as light and spontaneous as the fresh wind bearing the flagrance of rice and areca.

How many years of peace and leisure have our people had since the country was founded? It was a history of wrenching pain and torment. For that reason, out of the four Parts (Mother's Earth, Mother's Mountain, Mother's Rivers and Mother's Sea) and twenty-one songs [actually 22 - T.P.] making up the Cycle, the second song "Beautiful Mother" is the most cheerful. We see a youthful girl in her teens, sensual and passionate, with rosy cheeks, red lips and sparkling eyes. It is the only song with a rythmic and flirtatious character, a heart filled with spring love, a soul imbued with the blue cloudless sky. Number three, Mother Waiting, has a tinge of melancholy, even though the key has changed from C minor to E flat major. Numbers four, Mother's Rice, and five, She Welcomes Father, start joyfully but by the middle sections we detect a hint of the war and separation that is to come.

By the time Part Two begins with number six, Mother's Question, the cruel fate of a destructive and endless war, with the sufferings and pain it brings, are plainly apparent:

King's soldier, Lord's soldier, village soldier...

How many enemies must he kill?

As the fateful war begins, so must "Mother Give Up the Merriment". The fierce fighting is bound to bring mounds of bones and rivers of blood.

In song number eight, "Mother In The Traveller's Heart", a powerful Allegro Marcia in the key of C major, a man leaves home to defend and liberate his country. Bold and heroic he looks to the future, but he is then struck with sadness as he gazes back at the past, in reminiscence of the ancient verse

Since I went to my country's defense sword in hand,

Ever the memories of Thang Long have tugged at my heart.

Mother stays home with the young children, tends the mulberry grove, looks after old grandmother. She has become a soldier's wife, withering in wait, filled with sadness but also with courage. Until one day she "turns into stone" (number ten):

In the Winter wind

Tirelessly she looks

At the horizon

...

Pitying the downhearted poet,

Mother turned into a mountain.

The happiness of conjugal life was as fleeting as the brief morning sun on a windy and wet autumn day, followed by separation, anguish and hardships. The soldier's wife has turned into stone. Her only joy and hope were the growing children; alas, as Part Three (Mother's Rivers) unfold, the full tragedy of Mother Vietnam is revealed in a storm of suffering.

Song number 11, "Wanting to Go Home", was a plaintive lament to the afternoon breeze, the floating clouds, the wandering stream:

Day after day I stand on the river bank, in the dusk,

Looking homeward, waiting for the boat that never comes.

The rivers, her children, have been carried away by desire and ambition, blinded by lust, imprisoned by their Karma. From fighting to defend the country (Song number 12, "Obsessed Rivers"), they have now come to fight each other for supremacy (number 13, "Rivers Engulfing Mother"). Mother Vietnam is swallowed in this tragic maelstrom where she is held for a further two songs, numbers 14 "Rivers Without Return" and 15 "Dividing Rivers". Not until the end of the latter shall we see a glinting drop of dew, a breath of gentle breeze, in the form of a loving and forgiving call from Mother:

"O children who have lost the way,

Come back to Mother if you still remember"

which leads to Part Four, Mother Sea.

The "Fruit of Suffering" (1) of Mother's Rivers, those violent, narrow-minded and divided children, opens an escape route to Mother Ocean:

She sings a gentle lullaby of lapping tide,

A vast embrace of blue turquoise she opens wide...

That youthful country girl of yore with "rosy cheeks, white hands, wasp-like waist, shapely shoulders, round breasts" has, after a long and painful voyage, become an old woman, white- haired and speckled-skinned.

The echo of the boatmen's calls and of the splashing waves drift from afar, or is it the sound of Sea Mother calling to her children? Song number 17, "Waves on the Eastern Sea", is like an echo, extraordinary in its immensity and tenderness:

Ahoy... Over the Eastern Sea the waves are roaming

Calling on wandering sails to return.

Rivers come from far and wide,

Born on the snow-lined Himalayas,

To Viet Nam they converge

And nestle by Mother Ocean's side.

The conscious merges with the unconscious, pride with humility. The song is in E-flat minor. Mother's endurance and forgiveness have reached their extreme and, in song number 18, "Homeward Sail The Boats", transmute into a mystical light like that which dawns on the polar ice after six wintry months. The closing section starts with the familiar "Stork" folk strain, warm and soft, a stream of tears that washes away the pain and leaves a peaceful feeling:

Our mother is waiting tirelessly,

Wandering swallows flock home from the sea,

Our home so sweet and full of beauty,

The waves so gentle, the water so kind.

and the final ending is a prayer and a message:

We have come home to build our love,

Our Vietnam love,

Love for old Mother.

Young children must remember

To love each other,

To love each other.

In song number 19, "Lightning On The Sea, Rain On The Sources", we come to a surpassing image in all of literature, an image that is transcending and noble:

Mother smiles and sends her clouds

Ascending through the lofty skies

The skies open wide and join with the sea, in a world filled with the flagrance of love, human love and nature's love. Mother has become a Grandmother. Through misery and torment, as time washes her hair white (2), long suffering Mother becomes a gentle grandmother in song number 20, "Silting Sands And Swirling Clouds":

The waves are rising, rising with the tide,

In the moonlit night with silt and sand they come to shore,

The surging, swirling waves in the moonlight...

Salty deltas grow to plains of fertile earth

And lifeblood circles back to my heart.

Young children watch the joyful larks fly

And clouds that float so pretty and so high,

Rolling, swirling, weaving their veils around the sun.

As seasons come and go, they weave their dreams

And bring down Mother's rain in sweet, gentle streams.

The Vietnamese people, the Viet motherland, Me Vietnam... thus does Mother represent our country's history, both painful and heroic.

To close this essay, I would like to repeat the words of a certain unfortunate soldier, sobbing about home and mother:

My soles worn out, shirt fraying at the shoulder,

In the cold Truong Son dusk among the lonely hills,

Mother, I have let thoughts of home into my soul!

Mother is like a torch illuminating the conscience of those lost in the fog.

Saigon, Vu Lan Festival 2517 (1973)

Doan Quoc Sy

(1) Title of a play by the author, published by Sang Tao, 1963.

(2) Poem by Doan Van Cu.

1. Pha.m Tua^'n's English translation of an article written 20 yrs ago by Doa~n Quo^'c Sy~. The original Vietnamese is also included, so that you can compare between the 2 versions. I think Tua^'n has done a very good job ! :-)

This article was posted to the VNforum, and I forward it here, without asking the permission from the author. I hope that he would'nt mind ! :-)

Tha^n me^'n,

Binh Anson

Perth, Western Australia

Email: anson@central.murdoch.edu.au

_________________________

+ Doan Quoc Sy bai “Nguoi Viet dang yeu”, Saigon, nxb Sang Tao, 1965.

Không Tâm Trong Thiền Học

Doãn Quốc Sỹ


Xin thưa ngay: dùng ngôn ngữ hữu hạn của tha nhân để nói về Thiền thật chẳng khác nào muốn vồ bướm bằng cành tre, muốn đựng mây hồng trong hộp sắt. Do đó xin quý vị thông cảm trước mà thứ lỗi cho những sai sót lời bất cập ý! Ôn lại thuở xa xưa, tôi chẳng nhớ mình đã để ý đến Thiền từ bao giờ, chỉ biết chắc rằng những ý tưởng nhuốm màu Thiền đã nhật tích nguyệt lũy thấm dần vào tôi như những giọt nước rơi liên tục làm lõm phiến đá. Trên các sách báo, gặp bất kỳ đoạn nào bài nào nói về Thiền tôi cũng đọc. Rồi cái gì hợp với mình thì nhớ-- nhiều khi chỉ nhớ mamg máng -- còn cái gì rơi vào quên lãng ắt là những cái vô bổ với tạng mình! Tôi vẫn nghĩ một cách chủ quan rằng thái độ học Thiền như vậy mới thật là .. Thiền! (Nghĩa là hồn nhiên, vô tư, thanh thản!)

Nhớ lại mùa hạ 1967 tôi đương theo học tại FSU (Florida State University) -- tại ngay Tallahassee, thủ phủ Tiểu Bang -- và đã được một người bạn Mỹ yêu đạo Phật tặng cho cuốn sách Thiền xinh xinh mang tên Zen Buddhism xuất bản tại New York năm 1959. Lần đó tôi được đọc những giai thoại dí dỏm về Thiền giữa màu sắc bừng sáng của những loại hoa cúc, hoa hải đường, hoa đỗ quyên (azalea)... phảng phất mùi hương thanh thanh của hoa mộc lan (magnolia). Đôi khi vào dịp cuối tuần tôi ngồi đọc say sưa dưới bóng rừng ngợp màu rêu, loại rêu ngan ngát tím bao phủ lấy các cành cây và rũ xuống như tơ liễu. (Quý vị nào đã từng ở hoặc có dịp qua thăm Florida, hẳn còn nhớ phong cảnh với những màu sắc đặc biệt này của miền Nam nước Mỹ). Những dụ ngôn, những giai thoại về Thiền được đọc vào dịp đó, trong khung cảnh đó, đã giúp tôi suy tư và tự khám phá thấy cái bất lực thê thảm của lý trí đơn thuần.

Dòng đời như dòng sông không một sát-na nào ngừng trôi chảy. Nô lệ cho lý trí dơn thuần, ham cắt xén thì chỉ thấy được cái ngưng đọng, cái chết! Nhưng khái niệm con đẻ của lý trí chật hẹp và khô cứng kia làm sao chộp được dòng thực tại không ngừng, triền miên trong thế tương sinh tương lập -- đối tượng của Thiền?!

Mỗi chúng ta là một que diêm sáng! Không ai sáng hộ ta -- ta phải tự sáng lấy, tự chiêm nghiệm lấy Thiền! Que diêm khi tắt đi, chút khói xanh để lại... Rồi chính chút khói xanh đó cũng tan loãng nốt và biến hẳn -- như vết chân cát xóa! Tuy nhiên cũng nên chộp lấy chút ít khói xanh còn trong giây phút phiêu lãng đó -- bởi dù cho khái niệm không chuyên chở được thực tại, nhưng người ta vẫn có thể nương vào khái niệm để tìm đến thực tại. Vì vậy vào năm đó tôi mới quyết tâm viết tập sách mang đầu đề VÀO THIỀN và cho xuất bản lần đầu vào năm 1970 -- thấm thoát cách đây đã ngót 30 năm -- trên một phần tư thế kỷ rồi.

VÀO THIỀN cuốn sách mỏng xinh có 60 trang, thuở đó khi vừa được ấn hành đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt -- và tôi đã phải cho tái bản lại khoảng năm, sáu lần trong vòng chưa đầy hai năm. Tôi xin thuật lại một vài giai thoại trong tập VÀO THIỀN đó.

1. Một Cách Đạt Ý Vô Ngôn Hảo Diệu

Một thiền viện mới được thành lập, thiền sư Hyakujo cần tuyển chọn một người để trông nom thiền viện đó. Tiên sinh cho gọi đám môn đệ tới, chỉ một chiếc bình chứa đầy nước và nói. "Trong các con, liệu có ai giải thích được cái này là cái gì mà không cần gọi đến đích danh nó?"

Thiền sinh trưởng phòng được phép phát biểu trước.

Anh chàng nói:

"Nó đứng thẳng, nó rỗng lòng nhưng nó chẳng phải là chiếc giày bằng gỗ!"

Một thiền sinh khác dùng lời gợi ý.

"Nó chẳng phải là cái ao, bởi người ta khênh nó được!"

Thiền sinh em út phụ trách việc bếp nước, lẳng lặng đứng lên lấy chân đạp chiếc bình vỡ lăn chiêng, nước tung tóe ra sàn. Một cách đạt ý vô ngôn hảo diệu! Ý thức dính liền với thực tại khi bình vỡ lăn chiêng, khi nước chảy lênh láng! Su phụ ưng ý! Thiền sinh được cử trông coi thiền viện!

2.Chân Không Diệu Hữu.

Nói đến Thiền là nói đến Không Tâm. Nhưng xin đừng quên phần đi song hành với Không tâm là diệu hữu. Bỏi vì nếu chỉ đơn thuần có không tâm thôi thì đó là ngoan không, cái không trống rỗng, không có gì.

Một thiền sinh trẻ tuổi kia, lần đầu tiên tới thăm một thiền sư. Vừa ngồi xuống anh chàng đã huênh hoang lấy le, cất giọng thao thao.

"Làm gì có tâm, làm gì có trí, làm gì có thân xác! Làm gì có thiện, làm gì có ác! Thày chẳng có, trò cũng không, chẳng có cái cho đi, chẳng có cái lấy về, có cái gì trên đời này mà là thật đâu? Cái chính thật là Hư Vô!

Vị thiền sư ngậm ống điếu bình thản ngồi nghe, không thốt nửa lời. Chợt tiên sinh với lấy chiếc roi bất thần giáng xuống một cái thật mạnh lên người thiền sinh.

Thiền sinh hốt hoảng vùng dậy, không giấu được vẻ giận dỗi, nhưng còn lúng túng chưa biết nói sao.

Thiền sư điềm tĩnh cất lời:

"Nếu quả thực chẳng có gì trên đời này là thực và tất cả là hư vô thì sự giận dữ của ngươi từ đâu đến? Hãy suy nghĩ thêm về điều đó!"

Thiền sư ắt hẳn đã muốn dạy thiền sinh đệ tử bài học về Chân Không Diệu Hữu -- đồng thời còn hàm ý nhắc lại tinh thần phá chấp của Thiền.

Từ xưa Không tâm vẫn là một trong nhiều đề tài cơ bản trong Thiền Học.

Để minh họa thế nào là Không tâm xin được nhắc lại ba giai thoại về Không tâm như sau.

Giai thoại Một:

Có hai thiền sinh, sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ sư phụ giao phó, đương cùng đi sát cánh bên nhau trên đường về. Cả hai vui vẻ đàm thoại về một vài đề tài quen thuộc gần gũi với nếp sống hàng ngày.

Chợt cả hai ngừng nói chuyện! Phía trước mặt một thiếu nữ xinh đẹp b đồ mới tinh đương đứng khựng trên vỉa hè, nhìn thẳng xuống bên dưới mặt đường ngập nước. Rõ ràng nàng đang lúng túng không biết làm cách nào qua được bên kia đường để trở về nhà mà không bị vấy bẩn bùn nước.

Thiền sinh A lẳng lặng tới bế nàng trên hai cánh tay, bước xuống lội qua khoảng bùn nước, đặt nàng sang bên vỉa hè cao ráo để sau đó nàng thảnh thơi cất bước trên đường về.

Suốt trên quãng đường còn lại trở lại thiền viện, thiền sinh B không tươi vui trò chuyện với người bạn như rồi nữa, trái lại khuôn mặt đăm chiêu cố nén điều bực bội. Không khí im lặng thật nặng nề!

Chỉ còn một quãng đường nhỏ nũa là về đến Thiền viện, thiền sinh B không thể nhịn nổi hơn được nữa bèn cất giọng vô cùng bất mãn thống trách thiền sinh A.

"Tôi xin hỏi đạo hữu. Là một người tu hành mà đạo hữu đi bế một thiếu nữ đẹp trên tay - qua quãng đường lội, đặt nàng sang bên kia đường. Như vậy coi được không?"

Thiền sinh A vẫn giữ nguyên vẻ bình thản -- rất Thiền -- chỉ hơi mỉm cười đáp lại:

"Đạo hữu ơi - tôi đã giúp nàng qua khoảng lầy lội rồi! Đặt nàng sang bên kia đường để nàng trở về rồi! Ai ngờ đạo hữu còn tiếp tục cõng nàng về đến tận đây!"

Quý vị vừa chứng kiến trường hợp một Không tâm hàm ngụ thái độ hồn nhiên,bình thản. Giúp người xong, giữ lòng buông thả, thung dung!

Đúng với bài thơ Thiền tứ tuyệt

Nhạn quá từng không

Ánh trầm hàn thủy

Nhạn vô di trích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm

Tôi dịch sang thơ Việt như sau

Nhạn vỗ cánh cao bay miết mải

Hình nhạn chim dưới đáy nước kia

Nhạn nào lưu dấu làm chi

Nước trôi cũng mặc kẻ đi người về

Giai thoại hai:

Giai thoại này minh họa về Không tâm trong một trường hợp đặc biệt như sau:

Hôm đó vị Thiền sư có một người bạn đến chơi. Người bạn nói là đến để hỏi ý kiến về một chuyện cần giải quyết.

Nhưng từ lúc được mời ngồi xuống trước bàn trà, người bạn nói chi hồ điệp về câu chuyện xảy tới đã làm mình thắc mắc Trong khi nghe người bạn tiếp tục thao thao bất tuyệt như vậy, thiền sư lẳng lặng đặt một tách trà trước mặt bạn và bắt đầu rót trà... Tách trà đầy tràn... đầy tràn... Thiền sư vẫn tiếp tục nghiêng bình rót... rót hoài...

Người bạn phải tạm ngưng câu chuyện để nhắc thiền sư:

"Kìa, đạo hữu không thấy tách trà đã đầy tràn rồi sao?"

Thiền sư vẫn nghiêng bình tiếp tục rót, mỉm cười đáp:

"Thì nào có khác gì đạo hữu tới hỏi ý kiến tôi - rồi cứ tiếp tục nói hoài về những ý kiến của riêng đạo hữu."

Vậy đó! Với trường hợp này thiền sư khuyên chúng ta hãy giữ cho được không tâm, tránh đầy ắp tư kiến! Có vậy mình mới có cơ hội lãnh hội trọn vẹn những gì người đối thoại muốn truyền đạt cho mình! Hãy như chiếc chén rỗng - sẵn sàng tiếp nhận nước trà thơm ngát rót vào!

Giai Thoại Ba

Giai thoại ba giải thích sâu xa hơn nữa, tinh tế hơn nữa về không tâm. Một chàng trai trẻ tự cảm thấy mình có đạo tâm, tới bái yết một thiền sư xin làm môn đệ của ngài.

Thiền sư nói với chàng trai:

"Con hãy về bỏ hết, không còn giữ một chút gì trong lòng, rồi hãy đến đây xin thọ giáo ta!"

Sau đó chàng trai đã nhiều lần tới trình diện, thưa với thiền sư là mình đã thực hiện không tâm, đã rũ bỏ hết rồi, không còn giữ một chút gì trong lòng. Nhưng chàng trai vẫn bị thiền sư từ chối và nhắc lại:

"Con về rũ bỏ cho thật hết đi, rồi hãy tới đây!"

Sau cùng chàng trai đành thống thiết cung kính trình lại với thiền sư:

"- Thưa thày, con thực tình đã trút bỏ hết rồi mà không hiểu sao Thày vẫn chưa cho con được nhập môn?!"

Thiền sư giữ nguyên thái độ bình thản đáp:

"Con phải rũ bỏ cả cái biết mình đã rũ bỏ mới thực là rũ bỏ hết!"

Thật đúng với ý nghĩa câu: Bồ tát không biết mình là bồ tát mới thật là bồ tát!

Bình thản,hồn nhiên,vô tư của Không tâm trong Thiền học là như vậy đó! Nào khác gì chuyện Kosen tiên sinh chuẩn bị viết mấy chữ đại tự để sẽ cho khắc trước cổng lớn ngôi đền Oaku tại Kyoto. Tiên sinh phải viết những chữ đó lên giấy, rồi từ giấy khắc vào gỗ. Một đệ tử ngồi hầu, mài mực và chăm chăm muốn được theo rõi nghệ thuật bút thiếp của thày. Điều này làm thiền sư cảm thấy tâm trạng bất an làm sao ấy.

Lần đầu, tiên sinh vừa viết dứt, người đệ tử lắc đầu:

"Thưa thày chưa được!"

Tiên sinh sử dụng bút đại tự lần nữa. Người đệ tử nói:

"Thưa thày lần này còn tệ hơn lần trước!"

Tiên sinh viết lại lần nữa... Cứ như vậy tới lần thứ sáu mươi tư thì thực là bút cùn mực cạn!

Thấy mực gần hết, người đệ tử chạy vào nhà kiếm thêm. Còn lại một mình, không bị phân tâm bởi cái nhìn soi mói của kẻ ngồi bên, tiên sinh chấm bút vào nghiên, dùng chút mực ít ỏi còn lại thảnh thơi phóng bút lần cuối cùng.

Vừa lúc người đệ tử trở lại, ngắm hàng chữ còn tươi nét mực và reo lên:

"Thưa thày, thật là tuyệt bút!"

Nào có khác chi chuyện con rết đương nhịp nhàng bò lanh lẹ qua đây qua đó, bỗng gặp con cóc tinh nghịch hỏi đùa:

"Này chị rết, chị bò lê như vậy thì chân nào trước, chân nào sau nhỉ?"

Thế là nàng rết ta bị phân tâm trở thành vụng dại, nằm bò lê bò càng dưới rãnh, cố ý nghiên cứu phân tích tìm hiểu xem chân nào chuyển động trước, chân nào chuyển động sau... Tội nghiệp!

Vâng thưa quý vị -- bình thản, hồn nhiên, vô tư trong Thiền học là như vậy đó!

Nếu phải dịch Không tâm sang Anh Văn, tôi sẽ chọn danh từ Equanimity chỉ sự điềm tĩnh, thanh thản, hồn nhiên trong sáng!

Tới đây chúng ta cần minh xác lại một điểm cuối cùng nữa để tránh ngộ nhận:

Không tâm không hề là ngoan không!

Ngoan không là cái trống rỗng, không có gì! Trái lại Không tâm trong Thiền học là Không tâm diệu hữu! Không tâm để có được thái độ phá chấp, thức tỉnh, hồn nhiên -- đo đó mới thoát được mọi ngã chấp, ngã mạn -- mà bình thản tiếp nhận sáng suốt tất cả những gì xảy đến, ngõ hầu có thể bình tĩnh giải quyết, bình tĩnh đối phó hữu hiệu, hợp tình hợp lý trong hoàn cảnh đó.

Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều

Doãn Quốc Sỹ


Quê tôi cách Hà Nội chừng 5 cây số. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì gia đình tôi tản cư lên Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế, Bắc Giang. Đến năm 1948 khi cậu tôi từ Vĩnh Yên lên thăm chúng tôi lần đầu thì toàn thể gia đình chúng tôi ai nấy đều có màu da nửa vàng nửa xám xịt vì sốt rét rừng.

- Anh chị phải cho các cháu tản cư về mạn dưới như chúng tôi - lời cậu tôi nói với thầy mẹ tôi - chứ cứ như thế này thì không chết cũng chẳng còn ra hồn người nữa.

Sau ngót hai năm tản cư gia đình tôi khánh tận rồi. Có lẽ vì nghĩ vậy nên thầy mẹ tôi tìm cách nói thác:

- Ngày xưa vùng Yên Thế Thượng này độc nhưng nay vì có nhiều người lên khai phá nên khí hậu cũng không đáng ngại lắm.

Cậu tôi không chịu:

- Anh chị về Vĩnh Yên gần chúng tôi cho có anh có em, vừa tránh được nạn sốt rét rừng vừa có cơ buôn bán khá. (Dạo đó Vĩnh Yên còn là cửa ngõ của việc thông thương giữa Liên khu III với Bắc Việt).

Rồi cậu tôi về Vĩnh Yên. Hai tháng sau người lại lên, nhất quyết đón gia đình tôi xuôi, nói là nơi ăn chốn ở đã thu xếp đâu vào đó cả.

Thế là gia đình tôi xuôi Vĩnh Yên, còn một mình tôi ở lại Sở Thông Tin Liên khu I. Công tác của tôi là đi tuyên truyền mười điều kháng chiến trong toàn huyện Yên Thế. Vì lưu động như vậy nên tôi cũng quên đi nỗi buồn gia đình phân cách đôi nơi. Nỗi buồn đó chỉ đến thắc mắc lòng tôi mỗi khi trở về trụ sở kiểm điểm công tác. Trụ Sở Thông Tin ở một làng bên tả ngạn sông Thương, gần một bến đò đẹp vào bậc nhất Bắc Giang, bến đò Lục Liễu. Để tăng phần thơ mộng cho cái tên đó tôi vẫn thường dịch nôm là "Bến đò liễu xanh".

Thư của em tôi tới báo cho hay gia đình đã tới tản cư cùng làng với gia đình cậu mợ tôi. Làng đó ở ngay bến Rau, bên này là Vĩnh Yên, bên kia là Sơn Tây rất thuận tiện cho việc buôn bán.

Rủi thay, thầy mẹ tôi vừa đến Vĩnh Yên thì quân Pháp mở chiến dịch càn quét khắp vùng Sơn Tây rồi thiết lập thêm đồn quân dọc theo hữu ngạn sông Hồng từ Sơn Tây ngược lên đến Việt Trì. Các ngả đường giao thông với Liên khu III đều bị quân Lê Dương phục kích ráo riết.

Cậu tôi đã rơi vào ổ phục kích của chúng, dấn vốn khánh tận may thoát được người. Mẹ tôi phải ngừng chuyện buôn bán.

Nghe nói làng N.H. bên hữu ngạn sông Đáy gần chân dãy núi Tam Đảo là một làng trù mật, chuyên bán đỗ, gia đình tôi bèn chuyển đến đây theo sáng kiến của mẹ tôi. khi tới nơi, mẹ tôi mới thấy rằng mình đã nhầm. Trước đấy một năm thì địa điểm này buôn bán được vì hầu như dân chúng toàn hạt Vĩnh Yên đổ xô về để tránh Pháp tấn công, nhưng nay, tình hình tạm yên ai nấy trở về chốn cũ, địa điểm N.H. trở lại chốn trầm mặt của chốn chuyển tiếp giữa vùng trung du bên dưới với vùng đèo heo hút gió bên trên.

Vừa lúc đó tôi xin thôi ở sở Thông Tin về.

Mẹ tôi mừng lắm vì người vẫn thường nói: "Thời loạn lạc gia đình nên gần nhau nhỡ có thế nào...". Hình như trong óc người - có thể nói trong óc mỗi người trong gia đình tôi - đều luôn luôn lo sợ cảnh một người bị chết vì bom đạn rồi mất xác vì gia đình không kịp biết để nhìn nhận. Niềm vui đoàn tụ giúp chúng tôi bớt buồn nản khi thu xếp gồng gánh trở lại huyện Yên Lạc. Lần này gia đình tôi không dám ở gần bến đò Rau nữa vì sợ phi cơ oanh tạc, mà ở một làng cách huyện Yên Lạc chừng gần một cây số. Gia đình cậu tôi ở ngay làng bên. Lẽ cố nhiên cả hai gia đình chúng tôi cùng nghèo túng lắm, nghèo túng đến nỗi cậu mợ tôi, thày me tôi cũng không dám sang nhà thăm nhau, chỉ chiều chiều ra gặp nhau trên quãng đường đá nối huyện Yên Lạc với bến đò Rau.

Tôi gặp lại người yêu cũ từ Phủ Lý (Khu III) chạy lên. Chúng tôi thành vợ chồng, tuy có ký giấy tờ tại Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Huyện - cậu mợ tôi là những người làm chứng - nhưng đám cưới hoàn toàn êm ả, y như một đám cưới vụng trộm.

Em gái lớn tôi xoay đi buôn gạo, ngày ngày kĩu kịt đi về 20 cây số kiếm chút lãi. Ở Yên Thế tuy bị sốt rét nhưng nhà ở giữa rừng ít lo bị địch tấn công bất ngờ; tuy cũng nghèo túng nhưng còn có đất rộng để tăng gia rau cỏ và nuôi được lợn gà.

Về đây những buổi ăn cháo ngô trừ bữa, mẹ tôi thường có ý khép cửa giữa lại.

Em gái tôi đã phải đi chợ thật xa để đong gạo rẻ mà rồi tính ra lời lãi cũng chẳng được là bao. Các cụ giải thích hiện tượng kinh tế này bằng câu: "Thóc gạo có tinh", mẹ tôi làm tương gánh đi các chợ xa bán để kiếm thêm. Vợ tôi tạng người yếu nhưng khéo tay, không làm được việc nặng, nàng phụ trách những việc nhẹ như rang đỗ tương, ủ mốc, pha muối vào nước tương...

Dạo đó trường Luật mở ở gần chợ Me (Vĩnh Yên), tôi có ghi tên theo học nốt năm thứ ba hy vọng ngày thành tài sẽ ra thẩm phán, đồng lương họa có cao để giúp gia đình. Vì hoàn cảnh kháng chiến các giáo sư thường từ nơi xa lại trường sở dạy liền trong mấy ngày, sau đó sinh viên tự tìm tài liệu nghiên cứu thêm. Có khi thời gian nghiên cứu lấy dài hơn một tháng mới có giáo sư mới. Tôi triệt để lợi dụng khoảng cách này để bon về giúp đỡ gia đình những công việc nặng.

Mùa đông năm đó rét lạ lùng. Gió hun hút giật từng cơn buốt như dao cắt từng mảnh thịt hở, thế mà hôm nào mẹ và em gái tôi cũng phải dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để sửa soạn gồng gánh ra đi. Quần áo và chăn chiếu của gia đình tôi thiếu mất nhiều. Thằng em thứ ba của tôi có được cái chiếu rách mướp vừa nằm vừa đắp, chân thò ra ngoài thì nó lấy rơm phủ lên.

- "Ấy cứ thế mà ấm ra phết anh ạ" - Nó vừa cười khoái trí vừa nói với tôi như vậy.

Các em trai em gái tôi đã lớn cả, chúng tôi hầu như thường thi đua trong việc nhường nhịn nhau. Mẹ tôi chỉ còn thắc mắc về thằng em út của tôi. Nó còn nhỏ tuổi quá chưa thể tìm nguồn vui ở tinh thần để quên đói rét. Tương đối với cả nhà nó được mặc lành nhất. Nó mặc cái áo đỏ chót có những vệt chữ nho đen và những đường kim tuyến (nguyên đó là chiếc câu đối người ta phúng bà tôi hồi chưa tác chiến). Câu đối đỏ thì may áo, còn nẹp sa teng vàng mẹ tôi cố gạn may thêm cho nó chiếc áo di-lê. Chúng tôi gọi đùa nó là "anh cờ đỏ sao vàng". Đêm đến rét quá không đủ chăn ấm, nó thường khóc khậm khạch. Chỉ cần có thêm đôi chiếu nữa thì cả nhà đủ ấm.

- "Chiếu cói kỵ gió". - Mẹ tôi bảo thế.

Nhưng đến ăn còn chẳng đủ làm sao chúng tôi mua được đôi chiếu bây giờ?

Hôm đó suốt từ sáng sớm đến trưa phi cơ bay từng đoàn bắn phá và dội bom liên tiếp xuống các chợ lân cận: chợ Me, chợ Vàng, chợ An Lạc... Mọi ngày chỉ khoảng bốn giờ chiều mẹ tôi có mặt ở nhà. Ngày đó giời đã xế chiều mà người vẫn chưa về. Toàn thể gia đình tôi bắt đầu sốt ruột tuy không ai nói một câu.

Chiều ngả màu xẫm. Gió bấc rít trong bụi tre già làm nền cho tiếng khàn khàn của lũ quạ lục đục trong ổ, gió bấc xoáy từng vòng cuồng loạn dứt từng vốc lá tre, lá bưởi vàng úa rồi lại nhào vút mất hút ra ngoài cánh đồng bát ngát hiu quạnh.

Mẹ tôi vẫn chưa về.

Trong óc tôi thoáng hiện những cảnh chợ bị phi cơ tàn phá, những hình người không kịp xuống hầm bị đạn chết gục bên cột lều tay còn quờ ôm những đồ hàng của mình, những hình người bị bom napalm thiêu rụi như những thân chuối cháy đen... Và tôi vùng ra cổng.

Thày tôi biết ý hẹn với:

- Con cứ thẳng đường ra bến Rau. Mẹ con thường về đường ấy.

Ra tới cổng làng, tôi đi như bay theo đường đã định, cổ họng nghẹn ngào, dạ cồn lên như lửa đốt. Con đường như rộng thênh thang, cánh đồng ngập trong bóng chiều xẫm và trong gió bấc, càng trở thành mênh mông. Tôi vun vút nhảy qua các hố phá hoại mà đi như một bóng ma cô độc đương muốn biến theo luồng gió.

Từ xa như có bóng người đi lại. Chắc người đó ở chợ Rau về. Để tôi phải hỏi tin tức về việc phi cơ oanh tạc hôm nay.

Hình như trên đòn gánh người đó có vắt ngang một cái gì.

Tôi lướt vội lên. Trời ơi, mẹ tôi!

Hai mẹ con mừng mừng tủi tủi như gặp nhau ở cửa âm ti.

Tôi hỏi: "Sao mẹ về muộn thế, cả nhà lo tưởng phát điên lên". Mẹ tôi cho biết hàng hôm nay bán ở chợ không hết, người phải đi sâu vào một vài làng lân cận để bán nốt. Rồi khi xuống khỏi đê, qua cái lạch lớn, thấy có chiếc chiếu trôi, vội tìm cách vớt lên và giặt luôn bên lạch. Đó là chiếc chiếu còn khá tốt tuy chiều rộng bị xén đi mất một phần ba.

Mẹ tôi chỉ vào chiếc chiếu phơi trên đòn gánh nói:

- Về đến nhà thì chiếu vừa khô con ạ. Tối hôm nay thằng Tư - tên thằng em út tôi - có chiếu đắp ấm.

- Mẹ ơi, "giàu con út, khó con út", mẹ chẳng để ý gì đến chúng con, chỉ chăm chút cho chú Tư thôi.

Mẹ tôi đi trước, gió ngược chiều nên tiếng tôi mất hút về phía sau. tuy nghe tiếng được tiếng không nhưng mẹ tôi vẫn hiểu câu nói đùa. Người vừa giữ cái chiếu vừa quay nhìn tôi mỉm cười.

Tối hôm đó khi đi ngủ thằng chú Tư được mẹ tôi đắp cho chiếc chiếu vớt ở lạch. Chân nó thò ra một tí khiến tôi nhận thấy chiếc bí tất cũ vàng xỉn của tôi, chỗ đầu rách được buộc túm lại để các ngón chân xinh của nó khỏi "thoát ly" ra ngoài.

Dạo đó chỉ còn một tháng nữa là tết. Tôi lại có dịp tạm rời trường Luật, đợi đến qua giêng mới có giáo sư. Tôi về vừa đúng lúc gia đình đương cần nhân công xay thóc giã gạo. Dấn vốn của gia đình tôi còn đong được năm nồi thóc. Dùng số tiền đó làm tiền đặt mẹ tôi có thể đong về được tám nồi. Theo như mẹ tôi phác tính mỗi nồi thóc làm, được lợi ít ra là hai ca gạo, vị chi với tám nồi thóc, chúng tôi sẽ lợi ít nhất là một nồi rưỡi gạo. Cứ như vậy mà đủ việc liền trong một tháng, nghĩa là vừa đến tết, thì chúng tôi có thừa tiền đong gạo nếp gói bánh chưng và mua thịt cá để đón một mùa xuân kháng chiến tương đối huy hoàng.

Chúng tôi ngoại giao ổn thỏa với các nhà có cối xay cối giã rồi bắt đầu vào việc. Thầy tôi trông nom mấy đứa nhỏ sửa soạn cơm nước. Tôi và thằng em giai xay thóc trong khi mẹ tôi điều khiển vợ tôi và cô em gái sàng gạo. Xay hết thóc chúng tôi đã có gạo đem đi giã, giã đến đâu mẹ và em tôi sàng tấm sẩy cám đến đấy. Trong khi xay thóc tôi nhẩm ôn các đạo luật, các án lệ để sửa soạn kỳ thi cuối niên khóa. Khi giã gạo với vợ, tôi cùng nàng thủ thỉ xây mộng tương lai. Ngày kháng chiến thành công hẳn chúng tôi đã có những đứa con kháu khỉnh, đã trở về quê hương dựng lại căn nhà xinh, sống tự do bình dị trong tổ ấm gia đình.

Ngày đầu chúng tôi làm được tám nồi thóc với số gạo dư là hai nồi. Một cụ già ở đấy gật gù nói: "Vạn sự xuất ư nho, đúng thật. Học trò thì cái gì cũng làm được. Cứ bảo người Hà nội không chịu được lam lũ!"

Ngày hôm sau có tin quân Pháp đánh lên Vĩnh yên. Những người có thóc giữ lại. mẹ tôi phải vất vả lắm mới mua được bằng giá khá cao sáu nồi thóc để chúng tôi có việc làm.

Quân Pháp chiếm Vĩnh Yên. Tiền Hồ Chí Minh sụt giá vùn vụt. Vẫn số tiền cũ giờ đây chưa chắc mẹ tôi đã mua nổi bốn nồi thóc.

Quân Pháp theo sông đào tiến lên chiếm chợ Me. Dân chúng xao xác chuẩn bị chạy. Số tiền trong tay mẹ tôi hầu trở thành giấy lộn. Chúng tôi ăn một bữa quà bánh đúc, lúc giả tiền thấy vợi hẳn túi. Viễn ảnh những ngày đầu xuân có gạo nếp, có thịt gà, thịt lợn bị giập vùi trong khói súng và biến thành một điểm mong manh chết đuối giữa cảnh tàn phá rùng rợn của bom đạn tơi bời cha lạc con vợ lạc chồng, anh em tán loạn mỗi người một phương.

Dạo đó tuy đã có phong trào "rèn cán chỉnh cơ" nhưng chưa có cố vấn Tàu, chưa có chính sách "ba cùng", học tập đấu tố nên mặc dầu kinh tế nguy ngập ai nấy vẫn tin tưởng ở ngày mai huy hoàng của dân tộc, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của già Hồ (như lời tuyên truyền phát thanh chiều chiều).

Sang hạ tuần tháng chạp, suốt ngày mưa phùn gió bấc lạnh như cắt ruột. Không hiểu là vì rét nhiều hơn hay là vì chúng tôi đã bắt đầu giảm khẩu phần! Chiếc chiếu mẹ tôi vớt ở lạch đắp cho thằng em út đã rách xơ xác. Trong khi gia đình tôi giật gấu vá vai tìm cách nhường nhau miếng cơm manh chiếu thì xảy cuộc hỗn chiến giữa quân đội Pháp và quân đội Kháng Chiến ở chân núi Tam Đảo. Để giữ vững ưu thế quân sự về mình tại mặt trận Vĩnh Yên. Tướng Pháp De L. quyết định hy sinh đoàn quân hắn, và hạ lệnh cho thả bom tận diệt đôi bên.

(Trong cái điên ba của một cuộc thế lọc lừa phản trắc, người ta dày xéo lên tình người, điềm nhiên hy sinh xương máu đồng bào đồng loại nơi này cho quyền lợi thực dân, nơi kia cho học thuyết giai cấp. Tôi không ghê tởm những bộ mặt lãnh tụ như chúng sao được?)

Từ chân núi Tam Đảo quân Pháp đánh tỏa ra ba mặt, đồng thời từ hữu ngạn sông Hồng, một toán Lê Dương vượt sang càn quét bến Rau ở tả ngạn. Dân chúng từ bốn mặt chạy về huyện Yên Lạc, đổ xô vào các làng. Mẹ tôi bèn thổi cơm hàng gánh đến bán cho họ.

Trong số rất đông các người ở làng Rau mang đồ đạc chạy đến làng Lũng Thượng, có gia đình ông Lý Cựu vốn là bà con với ông chủ nhà nơi tôi tản cư. Ông Lý nói chuyện với thầy tôi rất tương đắc nhất là khi ông biết tôi đương học trường luật thi ra thẩm phán.

Ông nói:

- Tôi có thằng cháu năm nay lên sáu; giời cho làm người, sau này kháng chiến thành công, tôi nhất định sẽ gởi cháu lên Hà Nội phiền ông bà và cậu Cả trông nom giúp cho thành thân người.

Quân Pháp sau khi từ chợ Me vượt qua sông Đáy tiến sâu vào huyện Lập Thạch đốt phá một ngày rồi rút lui về tỉnh. Cánh quân tiến sang tả ngạn sông Hồng đốt phá bến đò Rau cũng rút lui về vị trí cũ bên hữu ngạn. Dân chúng chạy loạn lục tục đâu trở về đấy ngay để còn kịp sửa soạn tết.

Làng Lũng Thượng trở lại yên tĩnh.

Trưa hôm đó mẹ tôi ra phía bụi tre đầu nhà thấy cong queo dưới hầm trú ẩn một chiếc chiếu hoa cạp điều. Đúng là chiếc chiếu của một gia đình chạy loạn nào khi về mừng quá bỏ quên.

Mẹ tôi nói: "Thôi thế cũng là giời thương mà cho nhà mình!"

Đã lâu lắm, đêm đó tôi mới thấy thằng em út tôi có chiếc chiếu đắp kín chân không trông thấy đôi bí tất buộc túm chỗ rách. Sáng ra, mẹ tôi cẩn thận gấp chiếu rồi vắt lên chiếc giây thừng căng cao ngang mái nhà. Thế là từ đây đêm đêm nghe tiếng gió rít và những hạt mưa táp vào đầu hồi tôi cũng yên chí cho các em đã tạm đủ chiếu nằm, chiếu đắp. Hai ngày sau, tới buổi sớm ba mươi tết, khi sực tỉnh, tôi thấy không khí trong làng có vẻ tưng bừng hơn vì những tiếng bàn tán xôn xao xen với tiếng cười ròn rã ngoài đường xóm. Tôi vùng dậy ra thẳng ngõ. Trời tuy lạnh ngọt nhưng quang đãng và êm ả vô cùng. Tôi gặp mọi người mắt ai nấy sáng sáng ngời tin tưởng. Thì ra ở khắp các tường làng đều đã kẻ khẩu hiệu:

"Chuẩn bị tổng phản công".

Đồng bào thủ đô bàn nhau ngày về nhận nhà nhận cửa, đồng bào địa phương hơi có vẻ ngậm ngùi tưởng như giờ phút chia tay đã điểm.

Buổi trưa hôm đó ông Lý Cựu từ làng Rau mang theo vài thứ xa xỉ phẩm làm quà biếu ông chủ nhà vào dịp tết. Ông Lý Cựu có xuống căn nhà dưới thăm thầy tôi. Câu chuyện vừa xong phần xã giao thường lệ thì ông ngửng nhìn thấy chiếc chiếu hoa cạp điều vắt ở giây thừng, ông đứng nhỏm dậy chạy lại kéo tuột xuống nói gọn:

- Chiếc chiếu này của tôi

Mẹ tôi chợt có một cử chỉ phản ứng của một người mẹ gìn giữ con trong cơn nguy biến.

Người nói:

- "Ấy chiếc chiếu đó của nhà tôi..."

Mẹ tôi vốn là một Phật tử trung thành. Người chỉ nói được đến đấy thì lương tâm Phật tử trở lại và người lúng túng quay nhìn ra ngõ.

Ông Lý Cựu thản nhiên gấp chiếu lại, cắp gọn nách rồi thản nhiên nói:

- Không, chiếc chiếu của tôi. Tôi mua đôi chiếu cặp điều từ năm mới tác chiến, một chiếc còn trên kia.

Thì ra đôi chiếu đó, ông Lý mang đến gửi ông chủ nhà trong dịp vừa qua, rồi những người đến chạy loạn tự động mượn đem ra giải ở bụi tre nghỉ tạm, lúc về vì chiếu rơi xuống hầm trú ẩn nên họ quên không trả lại chỗ cũ.

Tuy chỉ một thoáng qua nhận biết sự thể là vậy nhưng tôi vẫn chưa chịu và tiếp lời mẹ tôi:

- Chiếc chiếu này mẹ mua của một người ở chợ Lầm. (Ý tôi muốn nói người đó lấy chiếc chiếu ở đây mang ra chợ Lầm bán).

Ông Lý vẫn thản nhiên, thản nhiên một cách cương quyết:

- Không, chiếc chiếu này của tôi.

Rồi ông cắp chiếu đi thẳng lên nhà. Lúc đó tôi cũng vừa trở lại với tôi để nhớ ra rằng cuối năm nay tôi đã thi xong, có thể ra làm thẩm phán. Tôi thoáng nghe phía sau tiếng vợ tôi thở dài rồi quay vào buồng.

Tối hôm đó khi thấy tôi lấy chiếc chiếu rách cũ vớt ở lạch đắp cho thằng em út, mẹ tôi chép miệng nói khẽ:

- Thôi, sang giêng trời bắt đầu ấm, vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!

"Vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!" - mẹ tôi nghĩ thật chí lý. Tổng phản công để bờ cõi được vinh quang độc lập, để mọi người được trở về dựng lại quê hương yên vui.

Tôi hiểu khi đó hầu hết các gia đình khác cũng như chúng tôi, chịu đựng bao nhục nhằn với những phút sa ngã nhỏ như chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều. Tất cả những hy sinh đó - kể cả hy sinh một chút danh dự cho sự yếu đuối thường tình của con người - tuy dằn vặt, ray rứt mà không tàn phá nổi niềm vui trong sáng, thanh thản của tâm hồn, vì ai nấy vẫn sống ngợp hy vọng một ngày mai vinh quang.

Sớm mùng một năm đó mẹ tôi ra chùa lễ. Người quỳ rất lâu trước bàn thờ Phật. Giọng người thành kính thiết tha cầu đức Phật phù hộ cho chóng trở lại ỵên bình, gia đình được qua thì đói khỏi thì loạn.

Tiếng người khấn đôi khi nức nở. Tôi nghe nước mắt như muốn trào ra.

Cộng sản dìm nhân loại trong thiếu thốn để chứng minh nguyên lý "Vật chất quyết định hết thảy". Chúng lầm! Con người càng từng trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin và đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào. Sau này khi về vùng quốc gia, rồi di cư vào Nam tôi còn trải qua nhiều gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến đâu, dù bị khinh rẻ đến đâu, điều đau nhục nhất với tôi vẫn là chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều, tuy thực tình câu chuyện chỉ giản dị có vậy.

Cách đây ít lâu khi mua được đôi chiếu hoa Phát Diệm ở đường Hai mươi về giải lên phản cho con nằm, tôi thấy vợ tôi chợt úp mặt vào hai bàn tay trước bàn gương. Có lẽ nàng nghĩ đến câu chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều khi xưa. Chuyện đó như biến thành chiếc phao xẫm màu, bất chấp mọi giông tố vẫn nổi lềnh bềnh trên biển, biển thời gian của đời, biển kỷ niệm của hồn. Cũng kể từ sau ngày xảy chuyện đó, thái độ tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính thân mình vậy. Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những hình ảnh giật gấu vá vai, tôi thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành.

Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn, ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành.

Thấy tôi hằng kiềm chế được nóng giận và nhất là vẫn mỉm cười, khi ứa nước mắt các bạn bè thân thường khen tôi có thái độ hồn nhiên của Trang Chu.

Các bạn yêu quý của tôi!

Các bạn có ngờ chăng thái độ hồn nhiên đó là kết quả của biết bao cảnh cơ hàn mà tôi và những người thân của tôi đã trải qua, trong đó có chuyện Chiếc chiếu hoa cạp điều!

Doãn Quốc Sỹ